PHẬT PHÁP

VÀI LỜI TƯỜNG MINH DỊCH KINH PHÁP BẢO ĐÀN (BẢN ĐÔN HOÀNG) – Cư sĩ Phúc Tú

Nam mô Bản sư Thích ca Mâu ni Phật.
Nam mô A Di đà Phật.
Kính lễ Tam tạng Pháp sư, chư Đại Pháp sư, chư vị Tổ sư.

Tấ cả các Pháp thì đầy đủ 10 yếu tố “Như thế” (Thập Như thị) nhưng vốn Không, Tịch và 4 đơn vị Câu (Tứ cú) thì đều Không. Kinh Phật thì vô lượng Nghĩa, Ngữ ngôn chỉ là phương tiện giả tạm, mượn để nói về Pháp. 49 năm thuyết giảng Pháp nhưng Phật tổ lại nói ta chả thuyết câu nào cả. Để nói về sự Thật, về cái Chân thì Phật tổ vẫn phải tạm mượn cái giả, cái Ngữ ngôn của Phàm phu để mà thuyết giảng cho Phàm phu Thế gian; không thì biết lấy cái gì đây. Phật tổ nói rằng ta chả thuyết câu nào nhưng lại cho Thế gian Thiên kinh vạn quyển Kinh văn để dạy Thế gian biết đường, biết lối tu hành.
Phật dạy và chư Tổ đã kết tập thành Kinh văn để Thế gian tu hành chứ không phải để chiêm ngưỡng. Tu hành là tu Tâm, sửa Tính, là Hành, là Làm chứ không phải là tu ở miệng. Tu hành là không phải chỉ là ngày đêm tụng Kinh, niệm Phật, cúng lễ bái lạy. Tu hành là Hành, là Làm, là Sửa, là chữa cái Tâm, dưỡng cái Tính của mình. Muốn làm được như vậy thì phải nhất nhất theo lời Phật tổ dạy, tức là phải theo Kinh văn, phải đọc tụng, thụ trì. Đọc tụng, thụ trì là để hiểu lời Phật tổ, là để làm đúng như Phật tổ dạy. Đọc tụng Kinh văn mà không hiểu thì chỉ là tránh nhàn cư vi bất thiện, là tu Phúc chứ không phải là tu Phật, tu Tuệ. Như Phật tổ đã nói Kinh văn thì vô lượng Nghĩa, hiểu được phần nào là quý lắm rồi chứ đừng nói là liễu nghĩa (hiểu hết hiểu rõ), chưa kể có những việc mà chỉ Phật với Phật mới liễu nghĩa mà thôi.
Tuy nhiên Kinh văn toàn bằng chữ Hán, chữ Pa li, chữ Phạn. Đối với bậc Tiền bối thông thuộc Hán văn thì đọc tụng kinh Hán văn nhất là nguyên chữ Hán là quá Phúc đức. Nhưng Thích tử, Phật tử ngày nay lại quá thiệt thòi vì không biết chữ Hán, không hiểu âm Hán Việt. Kinh văn quá khó, đọc tụng tiếng Việt còn chẳng hiểu gì huống hồ là đọc tụng âm Hán Việt.
Thứ 2 là Đa ra ni, Chân ngôn, Thần chú vốn là Phạm âm (âm thanh Thanh tịnh), là thứ âm thanh siêu việt Thế gian, là thứ cầu nối Phàm phu với Phật thánh nhưng lại tam sao thất bản (phiên âm 3 lần) nên trì chú suốt ngày nhưng Công đức tạo ra thì chẳng được bao nhiêu.
Thứ 3 là Kinh sách tiếng Việt ở Việt Nam lại chủ yếu do các Tôn đức miền Nam dịch thuật, Phật tử miền Nam in ấn, phát hành. Đối với Phật tử miền Bắc không được nghe giảng Pháp nhiều trong khi Kinh văn thì chủ yếu là ngôn ngữ, văn phong Hán Việt trộn với Phương ngữ miền Nam nên đa số Phật tử miền Bắc đọc tụng Kinh văn thì chỉ là đọc tụng, chẳng hiểu nghĩa kinh được bao nhiêu.
Tu Phật thường là gắn với Văn hóa, Tín ngưỡng; thậm trí là Tôn giáo Bản địa nhưng phải giữ gìn Bản sắc Dân tộc, Văn hóa Dân tộc, Tín ngưỡng Dân tộc. Đừng làm mất gốc đạo Phật nhưng cũng làm mất gốc Bản sắc, Văn hóa, Tín ngưỡng và cũng đừng pha trộn vào thành 1 nồi “lẩu tổng hợp”. Vấn đề Ngôn ngữ là yếu tố cực kỳ quan trọng. Phật dạy: Ngôn ngữ và Nghĩa lý phải là 1, phải đồng nhất, không thể là là 2 được (Ngữ, Nghĩa bất nhị). Vì pháp Phật không vốn tính Không, không thể diễn tả hết Nghĩa lý bằng Ngôn ngữ được cho nê dùng Ngôn ngữ cực kỳ chính xác cũng không thể chuyển tải được một phần nhỏ Nghĩa lý Phật nói huống hồ Ngôn ngữ không chính xác.
Kính lạy Phật tổ, chư vị Tam tạng Pháp sư, chư Đại Pháp sư, chư vị Sư tổ. Con là một Thích tử nhưng đang còn là Phàm phu nhưng Tâm nguyện của con là được làm một hạt cát trên con đường Bồ đề. Con xin thành Tâm sám hối! Con đã lấy cái trí Phàm phu để suy đi xét lại, được sự cổ vũ của một số Đạo hữu và cuối cùng con mạnh dạn con quyết định dịch mới, dịch lại, biên tập lại một số Bộ kinh do các bậc Tôn đức Tiền bối đã dịch để bản thân mình hiểu sâu hơn và để cho một số người đồng chí hướng tham khảo. Con xin thành Tâm sám hối các bậc Tôn đức Tiền bối; các Ngài đã cày vỡ ruộng hoang Phúc điền cho con được cày sâu bừa kỹ, gieo trồng hạt giống. Con tuân theo lời dạy của Lục tổ Tuệ Năng là dịch Kinh, Luật, Luận là để cho Đại chúng Phật tử Trí tuệ, Thiện căn cao thấp khác nhau, ai đọc cũng có thể hiểu nên con luôn kế thừa trong biên dịch, biên tập; cố gắng đảm bảo sát nghĩa nhất, dể hiểu nhất, ngắn gọn nhất, dễ tụng nhất (về nhịp phách); cái gì dịch được thì dịch, cái gì nguyên gốc mà tốt hơn thì không dịch; văn phong phải phổ thông, phù hợp với Đại chúng… và hình thức trình bày sao cho rõ ràng nhất. Về Đa ra ni, Chân ngôn, Thần chú thì con cố gắng sưu tầm, đối chiếu với Kinh văn để tìm ra bản chuẩn nhất; nếu là nguyên bản âm Phạn hoặc đã Phạn hóa thì thật Phúc đức. Đọc tụng Kinh văn để hiểu là việc rất khó, trì chú âm Phạn đâu phải là dễ, con đường Bồ đề đâu phải là ít gian nan. Muốn giải thoát thì khó, dễ, gian nan đều phải vượt qua.
Đệ tử Phàm phu con mới bước vào con đường Bồ đề chẳng được bao lâu, tài hèn trí mọn, trong việc dịch thuật, biên tập chắc chắn còn rất nhiều sai sót, chưa hiểu được bao nhiêu nghĩ lý Kinh văn, mạo phạm lời Phật tổ, văn Tôn đức Tiền bối. Con không dám nhiều lời, không phải có Ngã ý nào mà chỉ dãi bày biện minh, cầu xin được Sám hối.
Nam mô Cầu Sám hối Bồ tát Ma ha tát.
Hà Nội Giáp Ngọ niên (2014) – Cư sĩ Phúc Tú (Phạm Tuấn).

 

Bình luận về bài viết này