TÍN NGƯỠNG và TÂM LINH

THẦN TÍCH THẦN CAO VƯƠNG VÀ 2 VỊ PHU NHÂN VÀ ĐỀN – ĐÌNH NAM TRÌ, thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng yên

 

Thời Đường có họ Cao, gốc quận Bột Hải (nay là huyện Cảnh, tỉnh Hà Bắc – Trung Quốc), Tổ tiên ở Thái Thành sơn tỉnh Sơn Đông, sau cư ngụ ở U Châu (nay ở Tây nam Bắc Kinh – Trung Quốc) nhiều đời coi giữ Cấm quân . Đến thời Đường Hiến Tông có người họ Cao tên Nguyên con trai của Nam Bình Quận vương Cấm quân Cao Sùng Văn kết hôn với con gái nhà họ Thuý. Năm bà họ Thuý 41 tuổi nằm chiêm bao thấy rồng vàng phủ bụng mà có mang đến ngày 4 tháng Giêng năm Giáp Thìn thì sinh ra một người con trai. Lúc trở dạ sinh, buồng đẻ sáng rực hào quang, mùi hương ngào ngạt, thinh không có đám mây ngũ sắc trong 3 ngày liền.
Cao vương tên tự là Thiên Lý. Vương là người độ lượng hơn hẳn người thường, lại thông minh, mưu lược, anh hùng cái thế, trí dũng hơn người. Còn nhỏ Vương đã giỏi văn, hay thảo luận về chuyện đạo lý với các Nho sĩ nên có địa vị cao trong Lưỡng quân của Thần Sách quân, được thăng đến chức Hữu Thần Sách đô Ngu hậu. 15 tuổi Vương đã được vào hầu Nội điện, năm 31 tuổi làm Tướng quốc. Vương rất ham mê và giỏi môn địa lý, phong thuỷ, có tài hô Thần tróc Quỉ; địa thế hàng trăm nước đều thâu tóm trong bàn tay, Long hổ Thế đất đều phải phục tùng. Tương truyền do có công lớn nên được nhà vua trọng thưởng nhưng Vương không lấy gì chỉ xin kho bút lông. Trong kho có một cây bút Thần, Vương tìm được mang ra vẽ chim Diêm, chim Hộc để bay lên không trung xem xét địa lý, phong thuỷ khắp nơi. Trong thời gian làm Đô hộ, Tiết Độ sứ Giao Châu, thấy các nơi có thế đất quí đều cho dựng đền chùa và dựng hành cung để làm nơi nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn.
Thời Đường, người Man cát cứ 6 vùng lãnh địa, đứng đầu là Chiếu . Vùng giáp Giao Châu do chiếu Mông Xá cai quản nên gọi là Nam Chiếu. Sau, chiếu Mông Xá tài giỏi, Nam Chiếu hùng mạnh nên đã hợp nhất được 5 lãnh địa kia lại xưng Vương, đánh chiếm Thổ Phồn ở phía Bắc nên đổi là Đại Mông, sau đổi thành Đại Lý . Năm 846 có Bùi Nguyên Dụ, năm 858 có Vương Thức nhà Đường làm Kinh Lược sứ Giao Châu nên mặc dù Nam Chiếu đánh chiếm Giao Châu nhiều lần nhưng không được. Đầu triều đại của Đường Ý Tông, có một cuộc nổi dậy của người Đảng Hạng. Khi đấy, từng có một vài tướng chống lại người Đảng Hạng song không có kết quả, duy có Vương biết nắm bắt cơ hội mà dụng binh, xuất 1 vạn Cấm binh đến đóng quân tại thành Trường Vũ và giành thắng lợi, được Đường Ý Tông khen ngợi. Sau đó, để chống lại việc tập kích của Ngoại tộc phía tây, Vương được chuyển đến canh giữ Tần châu và giữ chức Thứ sử Tần châu, Kinh Lược sứ Tần châu.
Năm 863 nhà Đường gọi Vương Thức về đi dẹp loạn Cửu Phú, cử Lý Hộ sang thay, Nam Chiếu, quốc hiệu Đại Lễ lại kéo 3 vạn quân sang đánh, Lý Hộ không chống được. Sau nhà Đường phải cử Vương Khoan cùng Thái Tập sang mới giữ được. Năm 862, Nam Chiếu lại đưa 5 vạn quân sang, chiếm được Giao Châu. Mười năm, bốn lần xâm lược, Nam Chiếu đã bắt, giết 15 vạn người Việt ở Giao Châu. Hoàng đế Nam Chiếu là Mông Thế Long cử Đoàn Tú Thiên làm Tiết Độ sứ vùng Giao Châu thay nhà Đường. Năm Giáp Thân, Hàm Thông thứ 5 – 864, nhà Đường cử Trương Nhân đánh Nam Chiếu nhưng vẫn bị thua. Theo ý của Đồng bình Chương sự Hạ Hầu Tư, vua Đường Ý Tông cử Vương đang giưc chức Kiêu vệ Tướng quân làm Đô hộ Tổng quản Kinh lược Chiêu thảo sứ thay Trương Nhân. Mùa thu năm 865, Vương cùng Giám quân Lý Duy Chu dẫn 2 vạn rưỡi quân sang Giao Châu đóng tại Hải Môn . Vương dẫn 5.000 quân tiến về phía tây và hẹn Lý Duy Chu tiến quân sau. Do Lý Duy Chu ganh ghét với Vương nên không dẫn quân theo.
Vương dẫn quân từ biển Đông Hải vào Giao Châu đánh giặc Nam Chiếu. Khi hành quân qua Nam Trì thấy bản doanh xưa kia và đền thờ của 2 vị Lang Công, Bảo Công, lại thấy đất đai ở đây có hình thế quý, nhà cửa huy hoàng. Đền thờ ở thế đất Phượng Hoàng Hàm thư rất quí nên cho là đền thiêng hẳn Thần phải linh, bèn cho dừng xe, đóng đồn ở đây và trú đêm ở đền. Đêm đến Vương vào trong điện khấn: Nay Thần tiến binh đánh giặc Nam Chiếu, 2 vị Linh thần có anh linh thì xin phù hộ giúp quốc gia, tiễu trừ quân giặc. Sau này thành công hẳn được bao khen, sắc phong cúng tế, xin Quân thần sau này 1 chốn, cùng phối hưởng lâu dài, há phải dài dòng, khấn cầu từ hay ý đẹp. Nửa đêm, Vương chiêm bao thấy 2 vị Tướng đường đường, đầu đội mũ trăm sao sán lạn, mặc long bào giáp ngọc huy hoàng. Một vị cưỡi ngựa trắng, cao hơn 7 thước tay cầm siêu đao vàng, 1 vị cưỡi hổ vàng tay cầm búa việt. Vương bèn hỏi: Các ngài là Danh tướng nào vậy? Một vị xưng: Thần vốn là Trung thiên Bảo quốc, vị kia xưng vốn là Trung lang Tế thế, đều là Đại thần, Tướng nhà Triệu thời xưa, nay thấy Vương đem quân đi đánh giặc thì tình nguyện theo Vương đánh giặc, âm phù tả hữu giúp Vương thắng giặc, xin hãy chấp thuận. Thần vừa dứt lời thì Vương tỉnh giấc, biết là kỳ mộng báo trước sẽ thỏa nguyện công thành.
Hôm sau, ngày 10/3 nhân dân Nam Trì hành lễ chúc mừng. Vương bèn truyền cho phụ lão Nam Trì rằng: Ta phụng mệnh Đường vương nhậm chức Đô hộ nước Nam. Nay giặc Nam Chiếu xuất sư dấy binh xâm phạm, vì thế Ta tiến quân qua đây. Ngắm nơi đây thấy địa thế quan kỳ, có thế đất rất quí. Đền thờ được dựng chính giữa khu có thế Phượng Hoàng hàm thư nên nhân dân nhất định giàu có, phát nhiều Công hầu. Rồi cho dựng hành cung ở khu Ngọc Khê.
Biết tin Vương tiến quân, Hoàng đế Nam Chiếu sai tướng Dương Tập Tư đến cứu viện. Vua Đường Ý Tông lại sai tướng Vi Trọng Tể đem 7 nghìn quân đến Phong Châu hợp binh với Vương đánh quân Nam Chiếu. Giám quận Lý Duy Chu ghanh ghét, không hiệp đồng, lại có âm mưu hãm hại Vương. Với 5 nghìn quân tiên phong và quân tăng cường của tướng Vi Trọng Tể, Vương vẫn tiến quân thẳng đánh Nam Chiếu. Khi giao chiến, trời đột nhiên tối sầm, sấm sét nổi lên dữ dội, 2 vị Thần Bảo Công, Lang Công hiện về, hỗ trợ 2 bên tả hữu làm cho quân giặc chạy toán loạn. Chỉ một trận lớn, Vương đã dẹp tan quân Nam Chiếu tại chiến trường và chuẩn bị vây phủ An Nam Đô hộ.
Vương dâng tấu chiến thắng lên vua Đường Ý Tông nhưng bị Lý Duy Chu giữ lại tại Hải Môn. Vua Đường không nhận được tin tức gì nên hỏi Lý Duy Chu, Chu tấu rằng Vương trú quân ở Phong châu, không tiến đánh Nam Chiếu. Vua Đường tức giận. Mùa hè năm 866, vua Đường sai Hữu vũ Vệ tướng quân Vương Yến Quyền thay thế và triệu Vương về Trường An trách tội. Khi Vương đang bao vây thành thì nhận được lệnh phải giao lại quyền cho Vương Yến Quyền. Vương giao lại binh sĩ cho Vi Trọng Tể và trở về Hải Môn để gặp Vương Yến Quyền chuyển giao quyền hành. Một mặt Vương và Vi Trọng Tể phái Tiểu hiệu Tăng Cổn và Tiểu sứ Vương Huệ Tán về Trường An báo tin chiến thắng. Khi Tăng Cổn và Vương Huệ Tán đến Trường An dâng tấu, Đường Ý Tông hài lòng nên ban chiếu chỉ thăng chức cho Vương làm Kiểm hiệu Công bộ Thượng thư , phục quyền trấn thủ An Nam.
Sau khi giao lại binh quyền, Vương cùng 100 thủ túc về Bắc quốc. Đến Hải Môn thì nhận được chiếu chỉ thì quay trở lại Giao Châu. Khi Vương đi, Lý Duy Chu và Vương Yến Quyền tiếp quản chức vị nhưng không tiếp tục vây thành nữa. Vương quay trở lại tiếp tục vây thành, đến tháng 4 năm Hàm Thông thứ 7 – 866 thì hạ được thành, giết chết Đoàn Tú Thiên và Tù trưởng bản địa liên minh với quân Đại Lễ là Chu Đạo Cổ. Biết tin Vương chiếm được thành, vua Đường Ý Tông đổi phủ An Nam Đô hộ là phủ Tĩnh Hải quân và bổ nhiệm Vương là Đô hộ Tiết độ sứ Giao Châu.
Hai Thần phù hộ nên Cao Vương đánh tan quân giặc. Ngày 10/3, Nhân dân đón rước và hành lễ chào mừng tại trụ sở Hội đồng. Tại đền thờ 2 vị Thần Lang Công, Bảo Công, Cao Vương truyền rằng: Tại đền chính thờ 2 vị Thần này, Ta cũng 2 vị Quân thần mở hội lễ mừng vạn năm không thay không đổi. Vừa qua giặc Nam Chiếu xâm phạm, làm cho nhân dân lầm than khổ cực. Ta mang quân đi tiễu trừ quân giặc qua đây thấy thế đất cực quý, Thần thờ trong đền thì rất linh thiêng. Quả nhiên đêm về, 2 vị Linh thần hiện lên xin tòng chinh hộ quốc. Ta có nguyện ước cùng duyên phối hưởng với 2 vị Thần như anh em chí tình. Tuy âm dương hai ngả nhưng đều chung nguyên khí núi sông; tuy Nam Bắc 2 phương nhưng đều chung một Trời nghĩa khí. Nên nay ta có ước nguyện kết nghĩa huynh đệ với 2 vị Thần, xứng đáng cùng nhau vạn năm hương hỏa, nước Nam sẽ lưu danh thơm bất hủ nghìn đời. Rồi Cao Vương ban vàng ngọc cho dân làng làm công quĩ. Sau cho tu sửa đền thờ và xây thêm Vọng cung đình Ba xã làm chỗ tế lễ 2 vị Thần.
*****
Lại nói về trang Nam Trì có gia đình Phạm tên húy là Tố, lấy vợ cũng người là Trần Thị Phương người Ngọc Khê cùng trang Nam Trì. Năm bà Trần Thị 21 tuổi nằm mộng vào chùa Hương Tích gặp Phật bà Quan Âm hiện lên cho một cặp nhẫn vàng về nhà có mang. Đến rằm tháng 2 năm Bính Thìn thì đẻ sinh đôi 2 cô con gái. Khi trở dạ 2 nàng tố nữ, có chim Công ngũ sắc múa lượn trước sân nhà, hương thơm toả ra thơm nức. Lớn lên 2 cô xinh đẹp tựa Hằng Nga, thể diện bồng đảo , nét mặt vui tươi như trăm hoa đua nở, mắt sáng long lanh tựa ngọc. Đến khi được 2 tuổi cha mẹ đặt tên cô thứ nhất là A Lữ và cô thứ 2 là Lự nương. Hai chị em trưởng thành thì Tam tòng, Tứ đức nữ công bách hạnh, đủ đầy công dung ngôn hạnh ; ca kịch, thư họa, múa hát thanh sắc đều tuyệt vời, tài giỏi hơn người.
Khi Vương dựng Hành cung thì 2 cô đến xem. Nhác trông thấy 2 chị em có vẻ mặt yêu kiều lộng lẫy hơn người, Vương nghĩ đây là người thỏa nguyện toại lòng mình. Rồi Vương cho triệu vợ chồng họ Phạm đến bàn chuyện cưới hỏi. Ông bà đồng ý gả 2 cô cho Vương. Vương cho mang 400 thoi vàng dẫn cưới, cho dựng Cung nương lưu tồn tồn đến đời sau gọi là hành cung Ngọc Khê. Rồi Vương rước 2 Phu nhân về phủ Tĩnh Hải vương tức thành Đại La.
Lại nói về việc Vương xây thành Đại La. Thời nhà Tuỳ cai trị, cho chuyển Trị sở Giao Châu từ Long biên Phủ tiết trấn Giao Châu ở phía Long Biên, Bắc sông Hồng thuộc Kinh Bắc đến Tống Bình . Nhà Tuỳ tồn tại không bao lâu, nhà Đường lên đặt ra Giao Châu Đô hộ phủ cũng lấy Tống Bình làm Trị sở của phủ Đô hộ. Năm Đinh Mùi, Đại Lịch thứ 2 – 767 đời Đường Đại Tông, Kinh Lược sứ Trương Bá Nghi cho chuyển về Long Đỗ ở phía Nam sông Hồng. Năm Trinh Nguyên thứ 7 – 791 đời Đường Đức Tông, Triệu Xương cho đắp thêm. Năm Quý Mùi, Trinh Nguyên thứ 19 – 803, Đô đốc Bùi Thái sai lấp bỏ những hào rãnh hợp làm 1 thành. Năm Mậu Tý, Nguyên Hòa năm thứ 3 – 808 đời Đường Hiến Tông, Trương Chu làm Đô hộ Giao Châu đắp thêm. Năm Trường Khánh thứ 4 nhà Đường – 824 đời Đường Mục Tông, Lý Nguyên Gia đắp một cái thành nhỏ bên sông Tô Lịch gọi là La thành .
Nhà Đường cho đổi Giao Châu thành Tĩnh Hải nên Vương còn được phong Tĩnh Hải quân Tiết trấn. Đề phòng quân Nam Chiếu đánh chiếm nữa, Vương cho xây Tĩnh Hải phủ vương trên cơ sở La thành cũ. Do thành to rộng nên ta gọi là thành Đại La. La thành có 4 mặt sông Nhĩ Hà và Tô Lịch, chu vi 1982 trượng lẻ 5 thước (tức 3000 bộ ≈ 6,6 km), cao 2 trượng 6 thước (≈ 8,67 m), chân thành rộng 2 trượng 5 thước (≈ 8,33 m), nữ tường trên thành cao 5 thước rưỡi (≈ 1,83 m) có lỗ ngắm bắn, 55 lầu Vọng lâu , 6 cửa ống , 3 hào nước. Vương còn cho đắp đê vòng quanh ngoài thành gọi là Kim thành dài 2.125,8 trượng (≈ 7,09 km), đê cao 1,5 trượng (≈ 5 m), chân đê rộng 2 trượng (≈ 6,66 m), 34 đường đi và 40 vạn gian phòng ốc để dân cư ở. Sau đó, Vương cũng tiến hành một dự án lớn để loại bỏ những trở ngại tự nhiên trên sông đặc biệt là tạo thủy lộ thuận tiện giữa Tĩnh Hải quân và Lĩnh Nam Đông đạo .
Thành Đại la là khởi đầu của kinh đô muôn đời của các bậc Đế vương như trong Chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long của Vua Lý Công Uẩn viết: Huống thành Đại La, kinh đô cũ của Cao vương nơi trung tâm một khu vực trời đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi; chính hướng Nam bắc Tây đông; nhìn sông, tựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất cao mà thoáng. Dân cư không phải chịu cảnh ngập lụt khốn khổ, muôn vật rất phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là Thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của 4 phương đất nước; là kinh đô bậc nhất, muôn đời của các bậc Đế vương.
Sau Vương cho xây đồn ải ở biên thuỳ, chỉnh đốn việc công, đặt sổ sưu thuế thu cho việc công đầu tiên ở Giao Châu, đặt ra phép tắc; trị thủy sông ngòi xây dựng hải cảng để thông thương các nước, thương mại giao lưu… Thời kỳ Vương trị nhậm, Thiên hạ thái bình, nhân dân an cư, lạc nghiệp, no đủ giàu có; mọi người kính phục nên gọi Cao vương. Làm Tiết độ sứ Giao Châu được 9 năm thì Hoàng đế nhà Đường triệu Vương về Bắc quốc cử làm quan Thái thú kinh Bình Châu quốc được 10 năm. Vương tiến cử cháu là Cao Tầm thay được 3 năm nữa.
Sử sách chép rằng: Năm 868, Vương được triệu hồi về Trường An giữ chức Hữu Kim ngô Đại Tướng quân. Vương đề nghị triều đình cho cháu là Cao Tầm, người đã lập được nhiều công lao đánh Nam Chiếu được kế nhiệm giữ chức Tĩnh Hải Tiết Độ sứ. Rồi Vương được phong Kiểm hiệu công bộ thượng thư, Vận châu Thứ sử, Thiên Bình Tiết Độ sứ, Đồng bình Chương sự. Năm 874, Đại Lễ tiến công vào Tây Xuyên , Tiết độ sứ Ngưu Tùng không kháng cự nổi. Vua Đường Hy Tông lệnh cho các quân xung quanh cứu viện Tây Xuyên, trong đó có Vương và Vương được bổ nhiệm là Tây Xuyên Tiết Độ sứ. Năm 875, Vương tiến hành một số cuộc tiến công nhỏ trừng phạt Đại Lễ, sau đó cho xây dựng một số thành lũy trọng yếu trên biên giới và có kế hoạch tổng tiến công Đại Lễ nhưng vua Đường Hy Tông không cho. Năm 878, Vương được bổ nhiệm làm Kinh Nam Tiết Độ sứ, rồi Trấn Hải Tiết Độ sứ kiêm Kiểm hiệu Tư không, tiến phong là Yên Quốc công. Năm 879, Vương tiến đánh Hoàng Sào thắng lợi và bổ nhiệm làm Hoài Nam Tiết Độ sứ rồi làm Chư đạo Hành Doanh binh Mã Đô thống. Mùa thu năm 880, Hoàng Sào vượt sông Trường Giang, tiến vào lãnh địa Hoài Nam, Vương xưng bệnh và từ chối giao chiến với Hoàng Sào, mối quan hệ giữa ông và triều đình từ đó lạnh nhạt đi.
Tết năm 881, Hoàng Sào tiến gần đến Trường An, vua Đường Hy Tông bỏ kinh thành chạy đến Tây Xuyên, hy vọng rằng Vương sẽ dẫn quân tái chiếm Đông đô và kinh thành, do đó đã ban một chiếu chỉ cho phép Vương bổ nhiệm các tướng lĩnh, quan lại, song Vương vẫn không suất quân. Năm 882, vua Đường Hy Tông bổ nhiệm Vương làm Đạc Chư đạo Hành Doanh binh Mã Đô thống, ban cho chức Thị trung, giữ nguyên chức Hoài Nam Tiết Độ sứ song bãi chức Diêm thiết Chuyển vận sứ. Vương và vua Đường Hy Tông mâu thuẫn. Mùa hè năm 887, nội bộ nhà Đường nổi loạn tại thành Dương Châu, Vương phải chuyển giao toàn bộ quyền lực của Hoài Nam cho Tất Sư Đạc. Tần Ngạn và Tất Sư Đạc quản thúc Vương cùng gia quyến của ông tại một Đạo viện. Rồi Tần Ngạn và Tất Sư Đạc cho rằng Vương dùng ma thuật để chống lại họ. Một Yêu ni là Vương Phụng Tiên báo với Tần Ngạn rằng một Đại nhân cần phải chết để chấm dứt tranh chấp thành Dương châu, do đó Tần Ngạn đã quyết tâm giết chết Vương. Ngày 24 tháng 9, Tần Ngạn phái tướng Lưu Khuông Thì đi giết Vương cùng các thân thích là nam giới rồi ném xuống một hố. Sau khi Dương Hành Mật chiếm được Dương châu vào cuối năm đó, đã bổ nhiệm cháu của Vương là Cao Dũ là Phó sứ, sai cải táng Vương và thân tộc. Cao Dũ đã qua đời khi chưa cải táng. Sau đó, thuộc hạ của Vương là Quảng Sư Kiền mới thu táng.
Có sách chép: Về Bắc quốc, được cử đi dẹp cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào nhưng Cao vương không đi nên bị tước hết binh quyền. Hoặc Năm 885, Vương đang trấn giữ thành Dương Châu, vua Đường Hy Tông bị quân Hoàng Sào bao vây ở thành Trường An đã truyền cho Vương đến ứng cứu nhưng Vương không tuân lệnh đến nên vua Đường cử Tần Ngạn và Tất Sư Đạc xử tội.
Vương hoá ngày 10/8 năm Quý Tỵ . Tại nước Nam, nhớ ơn công lao to lớn của Vương, nhiều nơi đã lập đền thờ Vương. Còn về hai vị Phu nhân, sau khi Vương về Bắc quốc thì về quê Nam Trì bỏ tiền ra mua ruộng đất làm Tự điền , dựng chùa nhỏ xuất gia tu hành. Đến ngày 15/11, hai bà làm lễ Phật rồi hoá. Dân làng an táng 2 bà tại phía Tây hành cung và lập miếu thờ tại khu Bảo Tàng, nay là đất làng Nam Trì. Sau này tại làng Đới Khê (Ngọc Khê trước kia) có phủ thờ Lâu nương Công chúa và 2 vị Phu nhân A Lự, Lữ nương. Hồi Pháp thuộc, lính Pháp đã lấy tượng Công chúa Lâu nương mang về Pháp, tượng 2 vị Phu nhân bị thất lạc, hiện tìm thấy tượng bà Lự Lương. Tượng bà Lự Lương cao khoảng 50cm, kiểu tượng Phật, dáng ngồi Thiền, mặc áo cà sa màu gụ, đeo vòng tràng hạt, mặt trắng má hồng, đeo khuyên tàu, mặc yếm xanh.
Theo Thần phả đền ở làng Vạn Bảo thì bà Lã Thị Nga là Chính thất Phu nhân của Cao vương quê đất lụa Hàng Châu Trung Quốc đã dạy dân Vạn Bảo nghề dệt lụa nên được tôn là Tổ nghề dệt lụa Hà Đông. Khi đức Cao Vương hoá thì bà cũng nhảy xuống sông tuẫn tiết , dân làng tôn làm Thành hoàng.
*****

 

Bình luận về bài viết này